Phòng GD&ĐT Thanh Oai

http://thanhoaiedu.vn


Trẻ học thế nào ở mô hình Trường học mới

Trong mô hình trường học mới (VNEN) nếu gặp phải khó khăn thì học sinh liên lạc với giáo viên và sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết, tuy nhiên có giáo viên chỉ biết ngồi chờ các em tự học mà chưa hướng dẫn kịp thời.
Trẻ học thế nào ở mô hình Trường học mới

Trường học mới tại Việt Nam (gọi tắt là VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. EN được tổ chức và chuyên gia giáo dục quốc tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hỗ trợ và phát triển. Mô hình này đạt được những thành công vang dội và mau chóng được nhân rộng khắp châu Mỹ La-tinh. Các tổ chức UNESCO, Ngân hàng Thế giới coi mô hình EN có chất lượng tốt, là giải pháp giáo dục có hiệu quả mà các nước phát triển nên vận dụng.

thay-hop-5282-1396061378-8197-8424-1118-

PGS Nguyễn Hữu Hợp.

Tôi đặt câu hỏi cho bà chuyên gia Australia (làm việc cho VNEN) về sự khác biệt mô hình này với trường tiểu học Australia thì nhận được câu trả lời là "về cơ bản không có sự khác biệt lớn, chỉ khác là tiểu học ở Australia không có sách giáo khoa. Nói như vậy để thấy, mô hình VNEN được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm dựa trên kinh nghiệm quốc tế đã được khẳng định chứ không phải "đẽo cày giữa đường" như một số người nghĩ.

Theo mô hình VNEN, học sinh tự học (theo hình thức cá nhân, nhóm). Chúng ta biết, theo khuyến nghị của UNESCO, một trong những "vũ khí" mà con người thế kỷ 21 cần có, đó là khả năng học tập suốt đời. Để có thể học tập suốt đời, học sinh phải được trang bị những kỹ năng tự học. Tự học trở thành yếu tố nổi bật nhất của mô hình VNEN.

Sự học của học sinh đi từ tri thức, kỹ năng đã biết, kinh nghiệm bản thân đến tri thức mới rồi thực hành, vận dụng, ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống của mình. Để biết việc này diễn ra như thế nào, chúng ta hãy tưởng tượng một chuyện như sau. Một ông bố muốn đứa con của mình đi từ quê (Vinh chẳng hạn) ra Hà Nội (để giải quyết một công việc cụ thể) mà người con chưa bao giờ tới đó. Có một số cách sau đây:

Một là, ông bố đi cùng đứa con, đi tới đâu, giải thích cho con tới đó. Ví dụ: "Trước hết, chúng ta cần tới bến xe Vinh mua vé xe đi Hà Nội, con nhé"... Đứa con lặng lẽ lắng nghe, đi theo bố và chắc chắn tới được Hà Nội.

Cách hai là ông bố dẫn người con ra Hà Nội. Tới nơi, ông bố hỏi con: "Để ra được Hà Nội, chúng ta đã đi như thế nào?"... Đứa con trả lời và nói được cách đi.

Cách ba là ông bố chỉ dẫn cho con cách đi, phương tiện cần thiết, những thứ cần chuẩn bị, những chặng cơ bản cần qua... Theo hướng dẫn của bố, người con có thể tự ra được Hà Nội.

Thứ tư là ông bố đưa ra yêu cầu cho con, ra Hà Nội để giải quyết một công việc cụ thể (mà không hướng dẫn cách đi lại...). Người con tự tìm cách giải quyết nhiệm vụ bố giao và từ đó biết được cách đi từ Vinh ra Hà Nội.

Theo phương pháp "truyền thống", học sinh học theo cách 1 và 2 - tức là giáo viên giảng giải kiến thức có sẵn cho học sinh, hoặc nêu câu hỏi vấn đáp cho các em trả lời. Từ đó, rút ra bài học cần thiết. Theo những cách này, học sinh học tập một cách thụ động, bị áp đặt, do đó kết quả học thường kém bền vững, tư duy không được phát triển ở mức độ cần thiết, các kỹ năng sống bị coi nhẹ.

Trong dạy học theo VNEN, học sinh học theo cách 3 và 4 (chủ yếu là phương án 3). Quá trình này, nếu gặp phải những khó khăn nào đó, học sinh liên lạc với giáo viên và sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Sự khác biệt ở đây là, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên, học sinh có thể tự phát hiện, tự tìm ra kiến thức và tự hình thành kỹ năng, thái độ thích hợp. Bên cạnh đó, theo phương pháp này, các em được phát triển tư duy, học tập theo năng lực của mình, hình thành được những kỹ năng sống thiết yếu, như: giải quyết vấn đề, giao tiếp, hợp tác, phối hợp với người khác...

Như vậy, chúng ta thấy vai trò chủ thể tích cực của học sinh được phát huy cao độ, các em không còn thụ động nghe giáo viên giảng bài nữa. Đó là xu thế tất yếu của dạy học.

Để tự học của học sinh thành công, cần những điều kiện nhất định như: Sĩ số học sinh vừa phải (dưới 25 em chẳng hạn) để thuận lợi cho việc tổ chức nhóm; học sinh được giáo viên và tài liệu học tập (tài liệu này theo mô hình VNEN được gọi là "Sách hướng dẫn học") hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ, chi tiết, phù hợp với trình độ các em; học sinh phải có những tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết để tự học bài mới; học sinh có những điều kiện, phương tiện thích hợp để tiến hành hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm; học sinh biết làm việc cá nhân, nhóm để chiếm lĩnh bài học; và học sinh được giáo viên hỗ trợ kịp thời, đúng mức khi gặp khó khăn...

Ngược lại, việc tự học sẽ khó thành công nếu: Lớp có sĩ số quá đông, điều đó làm cho việc tổ chức nhóm phù hợp là cực kỳ khó; giáo viên không nắm vững trình độ từng cá nhân học sinh trong lớp nên đưa ra nội dung, "lộ trình", hướng dẫn không phù hợp (ví dụ, nội dung quá sức với trình độ, năng lực hiện có của học sinh); giáo viên không có kỹ năng tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh (ví dụ, tổ chức nhóm quá đông nên dễ xuất hiện học sinh "chầu rìa").

Hay giáo viên không kịp thời phát hiện ra những khó khăn mà học sinh gặp phải để hỗ trợ (có giáo viên chỉ biết ngồi chờ các em tự học mà chưa biết kịp thời hỗ trợ những em gặp khó khăn); học sinh bị hổng kiến thức, chưa có kinh nghiệm, thiếu kỹ năng làm việc nhóm (thực tế cho thấy, nay có một tỷ lệ nhất định những em không theo kịp chương trình giáo dục tiểu học, khả năng giao tiếp chưa tốt, chưa biết làm việc nhóm...); và ngôn ngữ học sinh phát triển chưa đầy đủ (vùng cao chẳng hạn) để làm việc với sách "Hướng dẫn học", để tương tác với các bạn và giáo viên cũng là những nguyên nhân việc tự học khó thành công.

Giáo dục Việt Nam đã quá lạc hậu, nhất là mặt tổ chức lớp học và phương pháp dạy học. Mặc dù lý luận của chúng ta, nói chung cập nhật những lý thuyết tiến bộ nhưng thực tiễn giáo dục lại chưa theo kịp những lý luận đó. Mô hình VNEN thật sự là một cơ hội để chúng ta biến lý luận thành thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và kết quả giáo dục. Tôi cho rằng, mô hình VNEN là một xu thế tất yếu, nhiều nước thế giới làm được thì Việt Nam cũng phải làm được.

PGS Nguyễn Hữu Hợp
ĐH Sư phạm Hà Nội

Nguồn tin: thuanchau.edu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây